Chứng nhận Da và các sản phẩm bằng da theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 5365:1991
Ngày 21/08/2024 - 07:08LỜI NÓI ĐẦU
TCVN 5365-1991 do Cục Chăn nuôi và thú y, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng đề nghị và được Ủy ban Khoa học Nhà nước ban hành theo quyết định số 343/QĐ ngày 11 tháng 6 năm 1991.
DA NGUYÊN LIỆU - YÊU CẦU VỆ SINH THÚ Y
Tiêu chuẩn này áp dụng cho da nguyên liệu thô khô, ướp muối và ngâm muối
Khái niệm
+ Da thô khô là da của động vật sau khi giết mổ được sấy khô.
+ Da ướp muối là da của động vật sau khi giết mổ được xếp lớp lên nhau, giữa hai lớp da có một lớp muối, khối lượng muối dùng để ướp da không được thấp hơn 50% so với khối lượng da.
+ Da ngâm muối là da động vật sau khi giết mổ được ngâm vào dung dịch muối 25% ít nhất là 24 giờ.
Yêu cầu vệ sinh thú y
+ Nguồn gốc: Da nguyên liệu phải được lấy từ những động vật khỏe mạnh có xuất xứ từ những vùng an toàn dịch bệnh theo đúng quy định của nhà nước. Da không có xuất xứ rõ ràng phải được xử lý như da bị nghi nhiễm bệnh nhiệt thán (xem mục 1 của Phụ lục).
+ Các yêu cầu về cảm quan và hình dạng bên ngoài:
Màu sắc: Da nguyên liệu phải có màu sắc đặc trưng của da
Tùy theo thể trạng của động vật béo hay gầy mà mặt trong của da có màu từ trắng hồng đến xanh nhạt. Không cho phép có các vết tụ máu, khi soi ra ánh sáng không được có các vết máu khô.
Da phải có mùi đặc trưng, không cho phép có mùi thối, rữa hoặc các mùi lạ khác.
Tấm da phải nguyên vẹn. Không có các hiện tượng mủn da, rụng lông và thối rữa thành từng mảng. Da ướp muối hoặc ngâm muối phải dai và đàn hồi, khi ấn ngón tay lên da không để lại dấu lún trên mặt da.
Da phải được lọc sạch các vết thịt, mỡ, bạc nhạc và màng nhầy ở phía mặt trong của da. Da không được dính các tạp chất cơ học như đất cát, xương vụn, mảnh thủy tinh, kim loại và các chất khác.
Bề mặt của da không được có các di chứng của một số bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng và côn trùng. Không có các lỗ thủng, sẹo, vết nhám, nốt sần hay các đám lông rụng gây ra bởi côn trùng Dermestees, nấm da Dermatophytosis, vi khuẩn Streptothricosis, ký sinh trùng Demodex, một số bệnh truyền nhiễm như loét da quăn tai; Enosa bovum, bệnh đậu và đóng dấu lợn.
Da không được có các vệt muội do vi khuẩn ưa mặn gây ra.
Da không được có các vệt rám đen hoặc mốc trắng do các loại sinh ra.
+ Các yêu cầu về vệ sinh dịch tễ:
Không được sử dụng da của động vật bị chết trước khi giết mổ vì bất kỳ nguyên nhân nào.
Ngoài việc loại bỏ da có các di chứng của các bệnh đã ghi ở mục 2.2.5. da động vật bị nhiễm các bệnh dưới đây cũng bị loại bỏ:
Nhiệt thán (Anthrax);
Sẩy thai truyền nhiễm (Brucellosis);
Bệnh tỵ thư (Malleus);
Lở mồm long móng (Aphtae epizootica);
Đóng dấu lợn (Erysipelosis suum);
Dịch tả trâu bò (Rinderpest);
Ung khí thán (Black leg);
Bệnh dại (Rabies);
Viêm hạch lâm ba truyền nhiễm (lymphagangliotis epizooti)
Viêm hạch truyền nhiễm ngựa (Coryza Contagios Equorum).
Trong kiểm nghiệm vệ sinh thú y đối với da bắt buộc phải làm phản ứng Ascoli theo TCVN 5274-90.
Yêu cầu vệ sinh thú y trong bao gói, bảo quản và vận chuyển da.
+ Da phải được bảo quản nơi khô, mát và hợp vệ sinh. Trước và sau khi bảo quản da khô phải được vệ sinh và tiêu độc theo TCVN 5377-91.
+ Không bảo quản chung da với thực phẩm hoặc các chất hóa học gây nhiễm mùi, độc hại….
+ Bao bì dùng để bao gói, bảo quản và vận chuyển da ướp muối, ngâm muối phải là loại không thấm nước và phù hợp với yêu cầu vệ sinh thú y.
+ Da ướp muối và ngâm muối phải được vận chuyển bằng các phương tiện kín đáy không để chảy hoặc thấm nước ra ngoài.
+ Da khô khi vận chuyển phải được bao gói kín, hợp yêu cầu vệ sinh thú y.
+ Da phải được vận chuyển riêng biệt, không vận chuyển chung với thực phẩm và các loại hàng hóa khác.
+ Trước và sau khi vận chuyển da các phương tiện dùng để vận chuyển phải được vệ sinh và tiêu độc theo đúng quy định của nhà nước.
PHỤ LỤC
Phương pháp xử lý da nghi nhiễm bệnh nhiệt thán.
+ Pha dung dịch để xử lý da:
Dung dịch để xử lý da động vật nghi bị nhiễm bệnh nhiệt thán là dung dịch có chứa 15% muối natri clorua (NaCl) và 2,5% aixt clohydric (HCl).
+ Ngâm da: Dùng thùng hoặc bể chứa kín đáy để ngâm da.
Da tươi: Cứ 1 kg da tươi thì cần 4 lít dung dịch xử lý da.
Da khô : Cứ 1 kg da khô thì cần 10 lít dung dịch xử lý da.
Ngâm da trong 40 giờ, nhiệt độ dung dịch ngâm da được đảm bảo từ 23 – 30 oC. Trong quá trình ngâm thỉnh thoảng phải lật, đảo các tấm da.
+ Rửa da: Sau khi đã ngâm đủ thời gian vớt các tấm da ra và để chảy hết nước. Sau đó tiếp tục ngâm da vào dung dịch sôđa (Na2CO3) nồng độ từ 1,5 đến 2% trong thời gian từ 1,5 đến 2 giờ rồi vớt ra rửa lại bằng nước sạch và hong khô.