Thực phẩm nào cần phải đăng kí FDA? Những đối tượng cần phải đăng kí FDA, Các Quy định của FDA về Ghi Nhãn Thực Phẩm Bổ Sung
Ngày 24/07/2024 - 10:07Các loại thực phẩm cần đăng kí với FDA
Vậy cụ thể những sản phẩm nào cần đăng ký với FDA và trường hợp nào được miễn đăng ký?
Một số loại thực phẩm cần phải đăng ký với FDA bao gồm:
+ Thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng và các thành phần dinh dưỡng.
+ Sữa công thức.
+ Thức uống (bao gồm cả thức uống có cồn và nước uống đóng chai).
+ Cá và hải sản (ngoại trừ những quy định đặc biệt đối với một số loại cá như cá tra, cá basa…).
+ Trứng có vỏ và các sản phẩm từ sữa.
+ Hàng hóa nông sản thô được dùng như thực phẩm hoặc thành phần thực phẩm.
+ Thực phẩm đóng hộp và đông lạnh.
+ Sản phẩm bánh mì, đồ ăn nhanh và kẹo (bao gồm kẹo cao su).
+ Thực phẩm động vật tươi sống.
+ Thức ăn cho động vật (ví dụ: thức ăn cho thú cưng, thức ăn dùng để huấn luyện thú cưng và thức ăn chăn nuôi…).
Đối với các vật liệu tiếp xúc với thực phẩm và thuốc bảo vệ thực vật thì không cần đăng ký cơ sở với FDA. Tuy nhiên, FDA có những quy định riêng đối với các hàng hóa này cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói hoặc lưu giữ vật liệu tiếp xúc với thực phẩm hoặc thuốc bảo vệ thực vật cụ thể để đáp ứng điều kiện miễn đăng ký cơ sở thực phẩm với FDA.
Doanh Nghiệp, Cơ Sở Nào Cần Phải Đăng Ký Với FDA?
Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu thực phẩm tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để nhập khẩu hàng hóa thực phẩm vào Mỹ, các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Những Cơ Sở Thực Phẩm Nào Cần Phải Đăng Ký Với FDA?
Ngoại trừ một số trường hợp được miễn trừ, các cơ sở thực phẩm sau đây phải đăng ký cơ sở với FDA:
- Cơ sở chế biến
- Cơ sở đóng gói
- Cơ sở lưu giữ
Nếu thực phẩm được sản xuất, chế biến, đóng gói hoặc lưu giữ bởi nhiều cơ sở, các quy định đăng ký với FDA như sau:
+ Nếu một cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói hoặc lưu giữ thực phẩm gửi sản phẩm đến một cơ sở khác để thực hiện công đoạn sản xuất/chế biến tiếp theo, bao gồm cả việc đóng gói, thì chỉ có cơ sở thứ hai cần thực hiện đăng ký với FDA.
+ Nếu cơ sở thứ nhất sản xuất/chế biến thực phẩm và cơ sở thứ hai chỉ thực hiện ghi nhãn thực phẩm, thì cả hai cơ sở đều cần đăng ký với FDA.
+ Nếu cơ sở thứ hai đóng gói hoặc lưu giữ thực phẩm sau khi cơ sở khác đã thực hiện công đoạn sản xuất/chế biến cuối cùng đối với sản phẩm, thì cả hai cơ sở đều phải đăng ký với FDA.
Như vậy, các cơ sở sản xuất thực phẩm ở giai đoạn hoàn thiện, có sản phẩm phân phối tại thị trường Mỹ, phải đăng ký với FDA, bất kể cơ sở đó có xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ hay không.
Những Cơ Sở Được Miễn Trừ Đăng Ký Với FDA
Các cơ sở sau đây được miễn trừ việc đăng ký với FDA:
- Cơ sở tư nhân (sản xuất tại nhà riêng)
- Trang trại sản xuất sản phẩm nông nghiệp thô chưa qua chế biến
- Cơ sở bán lẻ thực phẩm
- Nhà hàng
- Cơ sở thực phẩm phi lợi nhuận
- Tàu đánh cá
- Cơ sở chịu các quy định đặc thù của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA)
Quy Định của FDA về Ghi Nhãn Thực Phẩm Bổ Sung
Thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng là gì?
Theo FDA, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng là sản phẩm bổ sung vào chế độ ăn uống, bao gồm một hoặc nhiều thành phần dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất, thảo mộc, và các chất khác, ngoại trừ thuốc lá.
Thông tin bắt buộc trên nhãn thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng
Các thông tin quan trọng cần phải có trên nhãn bao gồm:
- Tên sản phẩm
- Hàm lượng tịnh
- Thông tin dinh dưỡng và thành phần
- Thông tin về nhà sản xuất, đóng gói hoặc nhà phân phối
Khác biệt giữa ghi nhãn thực phẩm bổ sung và thực phẩm thông thường
Ngoài các thông tin cơ bản, nhãn thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng có những điểm khác biệt:
+ Tên sản phẩm: Phải bao gồm thuật ngữ "dietary supplement" hoặc từ "dietary" có thể được thay thế bởi tên một hoặc nhiều thành phần dinh dưỡng có trong sản phẩm
+ Thông tin nhãn dinh dưỡng:
- Có thể liệt kê các thành phần dinh dưỡng không có DV (Daily Value – Giá trị dinh dưỡng hằng ngày) trong nhãn dinh dưỡng.
- Không được thể hiện giá trị "0" đối với các chất dinh dưỡng được liệt kê.
- Các quy định liên quan khác: Tùy thuộc vào loại sản phẩm cụ thể như thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới 4 tuổi và phụ nữ mang thai, sẽ có các quy tắc riêng áp dụng.
Tuân thủ quy định của FDA
Hầu hết các thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng phải tuân thủ các quy tắc chung về ghi nhãn theo quy định của FDA. Để đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định này và tránh rủi ro bị giữ lại hoặc từ chối nhập khẩu, doanh nghiệp cần chú ý đến các chi tiết và yêu cầu cụ thể từ FDA.
Nếu cần hiểu rõ hơn về các quy định của FDA về ghi nhãn thực phẩm bổ sung, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn chi tiết.